LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÂNG CAO TỶ LỆ CHUYỂN ĐỔI TỪ PHỎNG VẤN THÀNH OFFER?
Henry Ford từng nói "The only real mistake is the one from which we learn nothing." – một sai sót chỉ thực sự biến thành sai lầm khi chúng ta không rút ra được bài học nào từ sai sót đó.
Con tàu Titanic bị chìm cách đây 111 năm, khiến hơn 1,5000 người thiệt mạng trong số 2,200 hành khách cùng đội thủy thủ, nhân viên trên tàu. Các chuyên gia và nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu tìm hiểu về nguyên nhân khiến tàu Titanic – con tàu sa hoa nhất vào thời điểm đó bị chìm để đưa ra cảnh báo cho những con tàu sau này nhằm ngăn ngừa những tai nạn tượng tự trong tương lai. Đây là 1 ví dụ về sức mạnh của việc đánh giá lại những sai sót trong quá khứ để rút ra bài học.
Trong ứng tuyển cũng tương tự, bạn cũng nên hồi tưởng và tự rút ra kinh nghiệm sau mỗi buổi phỏng vấn không thành công. Nhưng hầu hết ứng viên chưa dành đủ thời gian để làm việc này.
Rất ít buổi phỏng vấn diễn ra một cách hoàn hảo bởi nếu nhiều buổi phỏng vấn diễn ra hoàn hảo thì mỗi 1 lần tham gia phỏng vấn là 1 lần bạn nhận được lời mời làm việc. Thế nên việc tự rút kinh nghiệm sau mỗi buổi phỏng vấn là một công cụ phản ánh mạnh mẽ giúp bạn nhìn lại để xác định điều gì đã diễn ra tốt và điều gì có thể được cải thiện trong lần phỏng vấn tiếp theo. Làm việc này khiến chúng ta phải dừng lại và suy ngẫm sâu và đánh giá cụ thể chúng ta đã trả lời tốt câu hỏi nào, đã trả lời tệ ở câu hỏi nào và nếu được trả lời lại thì chúng ta sẽ trả lời khác đi ra sao.
Ngọc đã có cơ hội làm việc với hơn 100 khách hàng cá nhân trong hơn 2 năm qua, nhiều khách hàng đã chia sẻ họ có nhiều lời mời phỏng vấn nhưng rất ít trong số những lời mời phỏng vấn đó thành offer và họ cũng không rõ lý do cụ thể vì sao.
Nếu không thực sự dành thời gian suy ngẫm và đánh giá sâu, bạn không chỉ là mất vài lời mời làm việc mà bạn sẽ đánh mất sự tự tin khi liên tục nhận lại sự từ chối từ Nhà Tuyển dụng. Bạn càng đánh mất sự tự tin bao nhiêu, bạn càng nhận được nhiều lời từ chối bấy nhiêu. Đó là là vòng luẩn quẩn không lối ra nếu bạn không tìm cách phá vỡ cái vòng xoáy đi xuống đó.
Dưới đây là vài gợi ý để bạn tự suy ngẫm và đánh giá sau mỗi buổi phỏng vấn:
CHUẨN BỊ PHỎNG VẤN:
- Tôi đã chuẩn bị tốt cho buổi phỏng vấn chưa? Nếu được quay trở lại tôi sẽ chuẩn bị thêm cụ thể điều gì?
- Tôi đã nắm rõ JD của vị trí tuyển dụng chưa?
- Tôi đã hiểu rõ các tasks vị trí đó cần làm chưa? Đó là các tasks nào
- Tôi đã hiểu rõ các yêu cầu về Kiến thức – Kỹ năng – Kinh nghiệm – Phẩm chất thái độ mà vị trí đó cần chưa? Đó cụ thể là Kiến thức – kỹ năng – Kinh nghiệm – Phẩm chất thái độ nào?
- Tôi đã tìm hiểu đủ sâu về ngành nghề kinh doanh, những thách thức mà Công ty có khả năng đang đối mặt chưa? Đó là thách thức nào? Tôi có cách nào để giải quyết những thách thức đó?
TRONG BUỔI PHỎNG VẤN:
- Các ví dụ tôi đưa ra minh họa có kèm số liệu đi kèm không? Làm thế nào tôi tính ra được các số liệu đó?
- Khi trả lời câu hỏi tình huống, tôi có áp dụng được mô hình STAR hoàn chỉnh chưa?
- Tôi đã trả lời câu hỏi nào tốt? Tôi có thể trả lời như thế nào để tốt hơn nữa?
- Tôi đã trả lời câu hỏi nào tệ? Nếu được trả lời lại, tôi sẽ trả lời như thế nào để có kết quả tốt hơn?
- Tôi đã thể hiện được sự tự tin của mình trong buổi phỏng vấn không?
- Tôi đã có những câu hỏi hay dành cho Nhà Tuyển dụng chưa? Nếu được quay trở lại, tôi sẽ hỏi thêm hoặc hỏi khác đi câu nào?
Việc đánh giá lại thể hiện của bản thân sau mỗi buổi phỏng vấn thực sự không dễ dàng gì – đặc biệt khi chúng ta đã thể hiện dở trong buổi phỏng vấn và giờ chúng ta phải hồi tưởng lại những giây phút khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái đó.
Thế nên nhiều người không dành thời gian để xem xét lại cách họ đã trả lời. Nếu bạn muốn cải thiện tỷ lệ chuyển đổi từ lời mời phỏng vấn thành offer thì đừng làm giống như số đông! Trả lời Phỏng vấn cũng là một kỹ năng và bạn sẽ thành thạo hơn khi bạn thực tập nhiều hơn, tự đánh giá bản thân sâu sắc hơn.
Hãy can đảm làm thứ người khác ngại làm để có được công việc mà bạn muốn trong khi người khác chỉ biết ao ước. Mọi thứ đều có cái giá của nó!