11 Mẹo nhỏ mà có võ khi Trả lời Phỏng vấn

Chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn cần nhiều sự chuẩn bị hơn là chỉ tìm kiếm trên Google một danh sách các câu hỏi phỏng vấn phổ biến (tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng cho những câu hỏi đó).

Trong thị trường việc làm ngày nay, các Nhà Tuyển dụng tràn ngập CV ứng tuyển chỉ sau vài giờ đăng tuyển (đặc biệt vào giai đoạn các công ty vừa hoàn thành việc trả thưởng thành tích năm), vì vậy nếu bạn được mời tới buổi phỏng vấn, bạn hãy có sự chuẩn bị tốt nhất để thành công có được offer.

Mỗi Nhà Tuyển dụng sẽ có những phong cách hỏi khác nhau và không thể đoán chính xác 100% rằng họ sẽ hỏi câu nào, thế nên việc chuẩn bị tốt cho những câu hỏi phỏng vấn thường gặp chỉ giúp bạn thấy tự tin hơn chứ không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ được hỏi những câu hỏi giống như câu hỏi phỏng vấn phổ biến.

Tuy nhiên, để giúp bạn chuẩn bị tốt nhất, dưới đây là vài mẹo phỏng vấn nhỏ mà có võ và có tính ứng dụng cao để bạn cân nhắc áp dụng:

  1. Tìm hiểu về Công ty: Đây là lý do đầu tiên trong danh sách và cũng là bước quan trọng nhất của quá trình chuẩn bị phỏng vấn. Bạn hãy nghiên cứu mọi thứ về họ: lịch sử hình thành, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, văn hóa, trang tuyển dụng, sản phẩm,….. Google cũng là 1 nguồn tuyệt vời để bạn biết thêm về Nhà Tuyển dụng. Bằng cách xem nhiều nguồn, bạn sẽ có được bức tranh tổng thể về tổ chức và chuẩn bị tốt cho lý do tại sao bạn muốn làm việc tại công ty đó và bạn có thể làm được những gì.
  2. Dùng thử sản phẩm hoặc trải nghiệm dịch vụ của công ty họ: Nếu công ty mà bạn đang phỏng vấn bán một sản phẩm mà bạn có thể kiểm tra trước, hãy thử sản phẩm đó trước cuộc phỏng vấn. Dù bạn đang ứng tuyển vào vai trò nào thì có khả năng một phần công việc của bạn sẽ tạo ra giá trị cho những người sử dụng sản phẩm đó. Vì vậy, tự mình trải nghiệm sản phẩm / dịch vụ là một bước đi thông minh. Ngoài ra, điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến vị trí này. Ngọc đã từng phỏng vấn các bạn ứng viên R&D ứng tuyển vào công ty Ngọc từng làm, và bạn ứng viên không nắm rõ về sản phẩm công ty (thậm chí còn kể nhầm tên sản phẩm của đối thủ), không biết thành phần ghi trên bao bì nhãn mác sản phẩm viết gì. Ngọc thấy bạn không đủ quan tâm cho vị trí Ngọc đang tuyển thời điểm đó nên cả 2 không có cơ hội đi xa hơn.
  3. Đọc kỹ bản Mô tả công việc: hãy đảm bảo trước buổi phỏng vấn, bạn gần như thuộc lòng mô tả công việc. Tự đánh giá lại kinh nghiệm, kỹ năng, năng lực của bản thân xem có tiêu chí nào bạn chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng không. Với những yêu cầu bạn đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, bạn hãy nhớ lại các thành tựu chính và cố gắng lồng ghép vào trong câu trả lời của mình. Với những khoảng “gap” về mặt năng lực và kinh nghiệm, hãy chuẩn bị những kiến thức phù hợp để chia sẻ nhằm mục đích “close the gaps”. Điều này cho thấy rằng bạn quan tâm đến vị trí tuyển dụng và đã có sự chuẩn bị tốt.
  4. Biết lý do tại sao bạn quan tâm đến vị trí này và truyền đạt câu trả lời một cách ngắn gọn, tích cực. Các nhà quản lý tuyển dụng đang tìm kiếm những người đam mê—hoặc ít nhất là nghiêm túc và quan tâm đến vị trí tuyển dụng. Gần như chắc chắn bạn sẽ được hỏi “Tại sao bạn lại quan tâm tới vị trí này” hoặc “Điều gì khiến bạn hứng thú ở vị trí này”. Nếu bạn có thể trả lời một cách ngắn gọn và với một thái độ tích cực sẽ khiến bạn nổi bật hơn những ứng viên khác và gia tăng cơ hội có offer.
  5. Xác định Unique selling points của bạn: nhờ việc tìm hiểu về công ty, đọc kỹ bản mô tả công việc và đánh giá lại bản thân, bạn sẽ dễ dàng xác định được unique selling points (USP) của bản thân ở vị trí tuyển dụng. Khi bạn đã tìm ra USP và biết cách truyền đạt một cách ngắn gọn và xúc tích, các cuộc phỏng vấn trở nên rất dễ dàng vì bạn có đủ tự tin để bước vào và nói chính xác những gì bạn giỏi.
  6. Tìm hiểu về Người Phỏng vấn: Nếu bạn có thể biết mình sẽ nói chuyện với ai trước cuộc phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu nhanh về họ. Chức danh của họ, vai trò của họ trong tổ chức và nếu có thể, phong cách và quan điểm trong nghề nghiệp của họ như thế nào. Chức danh và vai trò khác nhau thì cũng sẽ có những mối quan tâm khác và đánh giá ứng viên ở những góc độ khác. Nếu là HR thì chủ yếu đánh giá các yếu tố motivation and culture fit. Với Hiring manager thì họ sẽ đánh giá nhiều ở năng lực chuyên môn. Nếu là CEO thì họ sẽ có mối quan tâm gắn liền với business. Việc tìm hiểu về Người phỏng vấn sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc khéo léo lồng ghép các thông tin phù hợp vào trong câu trả lời phỏng vấn.
  7. Biết điều gì có thể chia sẻ, điều gì không nên chia sẻ: buổi phỏng vấn là cuộc trao đổi 2 chiều nhưng Câu trả lời của bạn nên được điều chỉnh cho phù hợp với công việc và công ty cụ thể mà bạn đang phỏng vấn và bạn nên thuộc lòng điều đó. Nhà Tuyển dụng thường thì luôn tạo ra môi trường thoải mái dễ chịu nhất để bạn không cảm thấy căng thẳng và thể hiện được hết những năng lực của bạn nhưng đừng cảm thấy quá thoải mái mà chia sẻ cả câu chuyện cuộc đời bạn. Không có lợi gì cho bạn và cũng không có lợi gì cho Nhà tuyển dụng.
  8. Chuẩn bị các câu chuyện của bạn: Hầu hết người phỏng vấn sẽ hỏi ít nhất một số câu hỏi về hành vi (ví dụ: hãy chia sẻ về thành tích mà bạn tự hào nhất; Thời điểm bạn bất đồng với sếp / đồng nghiệp, …). Không thể lường trước được mọi tình huống có thể xảy ra, vì vậy hãy chuẩn bị một vài câu chuyện từ kinh nghiệm làm việc trước đây của bạn để có thể điều chỉnh khi cần thiết. Hãy áp dụng phương pháp CAR (Context – Action – Result) để chuẩn bị cho câu chuyện của bạn.
  9. Làm quen với phương pháp STAR (Situation – Task – Action – Result): khi bạn trả lời các câu hỏi phỏng vấn bằng một câu chuyện, câu chuyện cần có cấu trúc tốt và nội dung rõ ràng. Mục tiêu của bạn là cung cấp cho người phỏng vấn tất cả bối cảnh cần thiết để hiểu chuyện gì đã xảy ra trong khi vẫn trả lời câu hỏi một cách rõ ràng và chính xác. Việc áp dụng STAR sẽ giúp bạn trình bày ngắn gọn, vừa đủ chi tiết để khiến Nhà Tuyển dụng hiểu được vấn đề, các thách thức khó khăn, vai trò của ban, các hành động bạn đã làm và kết quả bạn đạt được.
  10. Viết ra những câu hỏi bạn sẽ hỏi Nhà Tuyển dụng: Hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ kết thúc cuộc phỏng vấn bằng cách hỏi xem bạn có câu hỏi nào dành cho họ không và bạn nên chuẩn bị sẵn vài câu hỏi. Hãy đặt những câu hỏi mà bạn thực sự muốn có câu trả lời chứ không phải những câu hỏi nhằm cố gắng gây ấn tượng với Nhà tuyển dụng. Thay vì hỏi một câu hỏi nhằm mục đích tỏ ra mình là người thông minh và nổi bật, bạn nên thể hiện rằng bạn là một người tò mò và thực sự muốn tìm hiểu thêm về công việc, công ty,…
  11. Luyện tập – nhưng đừng học thuộc lòng câu trả lời của bạn: Có rất nhiều câu hỏi phỏng vấn phổ biến cần chuẩn bị, nhưng nếu bạn ghi nhớ chúng nguyên văn, câu trả lời của bạn như thể robot trả lời vậy. Thay vào đó, bạn chỉ cần nhớ các ý chính. Bằng cách đó, bạn sẽ đảm bảo bao quát được các ý chính cần truyền tải mà không học thuộc lòng từng câu từng chữ cho tốn công sức. Việc học thuộc lòng từng câu từng chữ cũng không thực sự khả dĩ vì khi bạn bị chịu áp lực, khả năng rất cao là bạn sẽ quên “lời” (ai từng học vẹt mà bị thầy cô gọi lên kiểm tra bài đầu giờ là trải nghiệm rõ nhất tình huống này). Ngoài ra, hãy tập trả lời thành tiếng. Công việc chuẩn bị này sẽ giúp bạn làm rõ suy nghĩ của mình và giúp bạn thoải mái hơn nhiều trong suốt cuộc phỏng vấn.

Lời cuối cùng về cách chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn

Việc chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn tốn rất nhiều thời gian và công sức, nhưng tất cả chỉ nhằm mục đích trang bị cho bạn sự tự tin cần thiết để hoàn thành tất cả các cuộc phỏng vấn với phong thái tốt nhất của bạn. Với tư duy đúng đắn và áp dụng 11 mẹo phía trên, Ngọc tin cánh cửa bước vào hành trình thú vị mới vừa hé mở chào đón bạn chuẩn bị bước vào.

#sharingiscaring #interviewpreparation #interviewtips #rubycareercoach

Bài viết cùng danh mục